Cơ hội tăng xuất khẩu vào thị trường EAEU
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á-Âu (VEAEUFTA) dự kiến có hiệu lực vào tháng 9 năm nay. Theo đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam như dệt may, nông, thủy sản, da giày… sẽ có cơ hội tăng trưởng nhờ được miễn, giảm thuế quan.
Doanh nghiệp da giày thêm cơ hội xuất khẩu khi VEAEUFTA có hiệu lực
Thị trường tiềm năng
Ông Đặng Hoàng Hải - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) - cho biết, Liên minh kinh tế Á Âu (EAEU) gồm các nước: Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan là thị trường tiềm năng và rất phù hợp với sản phẩm thế mạnh của Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam là đối tác ký hiệp định thương mại tự do đầu tiên với khối liên minh này nên cơ hội đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam rất lớn. Với tỷ lệ gần 90% dòng thuế được cắt, giảm thuế quan nhập khẩu, trong đó, 59,3% được xóa bỏ ngay khi VEAEUFTA hiệu lực là lợi thế rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc cạnh tranh với các nước khác.
Theo nội dung của hiệp định, hai bên cam kết mở cửa thị trường với 9.927 dòng thuế (87,4-95,7%). Nhóm không cam kết mở cửa thị trường là 1.433 dòng thuế (12,6-4,3%). Trong đó, một số mặt hàng thế mạnh của Việt Nam được ưu đãi khá cao.
Hàng dệt may có nhiều cơ hội gia tăng xuất khẩu khi VEAEUFTA có hiệu lực
Đối với mặt hàng thủy sản, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trước khi có VEAEUFTA, mức thuế của mặt hàng này khoảng 35%, nhưng khi FTA có hiệu lực, với 95% số mặt hàng mở cửa hoàn toàn, lộ trình tối đa trong 10 năm (trong đó hơn 71% dòng thuế được xóa bỏ hoàn toàn ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, tương đương 100% tổng kim ngạch xuất khẩu trung bình trong 3 năm từ 2010-2012 của Việt Nam vào EAEU); 5% dòng thuế còn lại là các mặt hàng Việt Nam không có thế mạnh xuất khẩu. Đây là lợi thế giúp hàng thủy sản Việt Nam có sức cạnh tranh cao so với sản phẩm của nước khác.
Về mặt hàng da giày, 77% dòng thuế được cam kết cắt giảm, trong đó, 73% dòng thuế xóa bỏ hoàn toàn theo lộ trình tối đa 5 năm, tương đương hơn 99% tổng kim ngạch xuất khẩu trung bình trong 3 năm (từ 2010-2012) của Việt Nam vào thị trường này.
Là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, sản phẩm dệt may có cơ hội rất lớn để thâm nhập và thị trường EAEU với 82% số dòng thuế được cam kết cắt giảm, trong đó có 36% dòng thuế được xóa bỏ hoàn toàn ngay khi hiệp định có hiệu lực. Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự báo, VEAEUFTA giúp kim ngạch hàng dệt may hai bên tăng trưởng 50% trong năm đầu tiên và tăng trung bình 20%/năm trong 5 năm tiếp theo. Giá trị kim ngạch tăng từ 700 triệu USD hiện nay lên 1 tỷ USD trong 1-2 năm tới, Việt Nam sẽ từ vị trí nhà cung cấp hàng dệt may thứ 8 tiến lên vị trí thứ 4 tại thị trường này.
Doanh nghiệp cần chủ động
Cơ hội chiếm lĩnh thị trường EAEU đã hiện hữu, song các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chuẩn bị tốt điều kiện hạ tầng, tuân thủ những quy định nghiêm ngặt cũng như cạnh tranh bình đẳng với hàng hóa các nước khác.
Bà Nguyễn Khánh Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) - khuyến nghị: Để tranh thủ được lợi ích mà hiệp định mang lại, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ từng dòng thuế, đặc biệt là quy tắc xuất xứ... Chẳng hạn như với thủy sản, VEAEUFTA quy định nguyên liệu phải có xuất xứ từ nội khối nhưng với mặt hàng tôm, cá ngừ, Việt Nam lại được phép sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để chế biến hàng xuất khẩu và phải bảo đảm tỷ lệ nội địa trên 40%.
Bên cạnh đó, một trong những khó khăn khi giao thương với khu vực này chi phí vận chuyển cao. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải có hệ thống kho hàng, bến bãi để giảm được chi phí vận chuyển.
Để hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường EAEU, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ đối thủ cạnh tranh, lựa chọn phân khúc phù hợp về giá cả và chất lượng cho hàng hóa xuất khẩu. |
Theo
Nguyễn Hường: Baocongthuong.com.vn