Thị trường nội địa: Tiềm năng cho dệt may phát triển
Thời điểm này, lúc phải tính nước rút cho đơn hàng từ nay tới cuối năm để hoàn thành kế hoạch cả năm 2016, nhiều doanh nghiệp Dệt May Việt Nam (DMVN) lo lắng bởi có khả năng không đủ đơn hàng. Vậy đơn hàng đang chạy đi đâu và làm thế nào nếu kịch bản xấu xảy ra, đó là không thể có đủ đơn hàng XK theo kế hoạch?
Báo động đỏ
Có nhiều dự đoán trùng ý rằng, sau Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngành DMVN sẽ có nhiều thuận lợi để phát triển. Nhưng thực tế thời điểm này lại chưa phải vậy, hiện các doanh nghiệp Việt Nam đang lao đao vì thiếu đơn hàng. Hợp đồng của nhiều công ty dệt may hiện mới chỉ đủ đến tháng 7. Sau quý 1/2016 hàng loạt khách hàng quen thuộc đã chủ động chuyển đơn hàng sang Lào và Myanmar vì thị trường này được hưởng thuế ưu đãi xuất khẩu hàng dệt may sang Hoa Kỳ và châu Âu. Ngoài ra thị trường Campuchia cũng nằm trong tầm ngắm của doanh nghiệp FDI chuyên sản xuất dệt may. Bên cạnh đó, hàng loạt các nước không nằm trong TPP như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan cũng đã điều chỉnh chính sách ưu đãi cho ngành dệt may của họ để ứng phó với TPP. Trong 6 tháng cuối năm, nếu các quốc gia tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ, rõ ràng sẽ còn gây khó khăn hơn nữa cho việc đặt hàng tại Việt Nam, khi mà hiệp định TPP phải ít nhất 2 năm nữa mới có hiệu lực. Như vậy, trong 2 năm tới, với các chính sách giữ thị trường, giữ khách hàng của các quốc gia cạnh tranh, thì đơn hàng đến với doanh nghiệp DMVN sẽ ít đi.
Một vấn đề đáng lưu tâm nữa, đó là sau 2 năm (2014 và 2015) được cho là cao điểm của dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực dệt may tại Việt Nam, từ đầu năm 2016 đến nay, dòng vốn này đang có dấu hiệu giảm tốc. Theo số liệu từ Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong danh sách các dự án FDI điển hình, vốn đăng ký lớn trong 5 tháng đầu năm 2016 đã không thấy dự án dệt may nào. Khi FDI vào dệt may giảm, tất yếu việc làm cho người dân giảm theo, cùng với việc các nguồn cung ứng mà doanh nghiệp DMVN còn yếu như khâu nhuộm hoàn tất cũng sẽ không được bù đắp.
Hướng sự tập trung vào thị trường nội địa
Khi việc xuất khẩu dệt may không được như kỳ vọng, không đủ đơn hàng để sản xuất, chúng ta không thể để người lao động mất việc làm, máy móc thiết bị đắp chiếu. Thị trường nội địa với hơn 90 triệu dân là một thị trường tiềm năng mà các nhà phân phối nước ngoài cũng thèm khát, thì không cớ gì DMVN lại bỏ qua miếng bánh ngọt này. Tính sơ bộ, với thu nhập bình quân đầu người gần 50 triệu đồng/năm, và tỷ lệ chi dùng cho mua sắm quần áo là 14%, thì mỗi năm, lượng tiền của người dân Việt chi cho quần áo là 630 ngàn tỷ đồng, tương đương gần 3 tỷ Đô la Mỹ. Rõ ràng, việc có thể phục vụ tốt cho một thị trường có kích cỡ xấp xỉ 3 tỷ Đô la là một phương án không xoàng chút nào, thậm chí có thể cứu được cả ngành DMVN lúc khốn khó nhất.
Các doanh nghiệp DMVN cần tỉnh táo để quan tâm khai thác triệt để, phục vụ tốt nhất thị trường nội địa. Ông Hoàng Vệ Dũng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Đức Giang cảnh báo, nếu doanh nghiệp DMVN không cẩn thận thì trong khi hướng ra thị trường nước ngoài lại mất thị trường trong nước. Coi trọng thị trường nội địa chính là một yếu tố để đẩy mạnh xuất khẩu, bởi nếu làm tốt ở trong nước doanh nghiệp sẽ có thương hiệu của riêng mình, có giá trị thiết kế, giá trị gia tăng.
Hơn nữa, hiện nay chúng ta đang ở thời điểm thuận lợi để tập trung vào thị trường trong nước, bởi nếu trước đây, người tiêu dùng Việt Nam chuộng sử dụng hàng may sẵn xuất xứ từ Trung quốc, thì hiện nay họ lại có xu hướng lựa chọn hàng may mặc của Việt Nam. Nắm bắt cơ hội này, các thương hiệu thời trang của các công ty lớn trong nước đã có những chiến lược kinh doanh cụ thể để khai thác thị trường nội địa đầy tiềm năng. Đơn cử các trường hợp thành công của May 10, Việt Tiến, Đức Giang, Nhà Bè, Hòa Thọ, Hanosimex, Tổng Công ty 28, TNG… Các doanh nghiệp này đã có những thương hiệu uy tín, đi vào lòng người tiêu dùng Việt, và doanh thu nội địa mỗi doanh nghiệp tới hàng trăm tỉ đồng/năm.
Bằng chất lượng sản phẩm, hàng may mặc Việt Nam ngày càng thu hút được sự quan tâm của nhiều đối tượng tiêu dùng khác nhau và dần chiếm lĩnh thị trường. Theo thống kê từ các siêu thị, hàng may mặc Việt Nam chiếm khoảng 90% tổng lượng hàng đang kinh doanh. Yếu tố thúc đẩy mua sắm hàng thời trang của người tiêu dùng (NTD) phần lớn là sau khi nhận lương hoặc những lúc có nhiều tiền. Ngoài ra, khi có chương trình giảm giá cũng là một trong những nhân tố thu hút nhu cầu chi tiêu của khách hàng. Kiểu dáng/thiết kế; Chất liệu vải; Giá cả là 3 tiêu chí ưu tiên khi quyết định chọn mua hàng thời trang của NTD. Đa phần NTD lựa chọn những cửa hàng chuyên bán quần áo để mua sắm. Đối với trang phục công sở và trang phục dự tiệc, đa số NTD thường chi trong mức 500.000 - 1.000.000 VNĐ. Trong khi đó, trang phục mặc nhà với giá chỉ khoảng dưới 500.000 VNĐ, còn trang phục dạo phố khoảng 500.000 VNĐ. Vì vậy, các doanh nghiệp DMVN cần nắm bắt nhu cầu, thói quen, sở thích của NTD Việt để phục vụ cho phù hợp, sẽ thu được giá trị gia tăng cao hơn so với chỉ đơn thuần may gia công xuất khẩu.
Như vậy, quan tâm và khai thác triệt để thị trường nội địa, chính là một giải pháp thực tế cho ngành DMVN lúc này và cả trong tương lai.
Theo Tạp chí Dệt May và Thời trang Việt Nam